Đau hốc mắt là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, một số tương đối lành tính và có thể khỏi sau khi điều trị tại nhà, tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp nghiêm trọng và cần điều trị khẩn cấp. Vậy đau hốc mắt là gì? Nguyên nhân phổ biến và dấu hiệu nguy hiểm của bệnh ra sao?
Đau hốc mắt là bệnh gì?
Đau hốc mắt có thể đến một cách đột ngột làm mắt nhức nhối hoặc đau nhói và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Đau hốc mắt không đơn thuần chỉ là cảm giác mỏi mắt do tiếp xúc với máy tính cả ngày. Chúng nghiêm trọng hơn cảm giác khó chịu khi có một hạt bụi hoặc lông mi rơi vào mắt. [1]
Trong những trường hợp ấy, cách xử lý đơn giản là lấy lông mi, bụi bẩn ra khỏi mắt hoặc cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhắm mắt, chườm mát. Tuy nhiên cơn đau hốc mắt thường sẽ dữ dội hơn, kéo dài hơn và có thể xảy ra cùng với các triệu chứng khác.
Đôi khi đau hốc mắt có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc chấn thương. Cần đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Mắt nếu lần đầu đau hốc mắt hoặc tình trạng đau hốc mắt diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn.
17 nguyên nhân đau hốc mắt thường gặp
1. Mỏi mắt
Mỏi mắt là cảm giác tăng áp suất nhẹ hoặc đau phía sau mắt, khá phổ biến khi người bệnh sử dụng máy tính trong văn phòng tối. Mỏi mắt không phải là tình trạng bệnh lý cụ thể mà là các triệu chứng do sử dụng mắt không ngừng. Lái xe, đọc chữ nhỏ hoặc làm việc với liên tục máy tính trong khoảng thời gian dài có thể dẫn đến mờ mắt tạm thời, khô mắt và cảm giác áp lực sau mắt.
Trường hợp khô mắt do không chớp mắt đủ có thể góp phần gây ra cảm giác ngứa hoặc đau ở trong hoặc sau mắt.
2. Chứng đau nửa đầu
Cảm giác đau và tăng áp suất xung quanh hoặc sau mắt là những triệu chứng phổ biến của nhức đầu và bệnh đau nửa đầu. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau nhói trong đầu, buồn nôn, ói mửa, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, hoặc nhìn thấy những tia sáng trước khi bắt đầu đau nửa đầu. Nhức đầu do căng thẳng cũng có thể làm cho cảm giác mỏi mắt trở nên tồi tệ hơn.
3. Viêm xoang
Các xoang nằm ở trên, dưới, sau và giữa hai mắt. Vì vậy, khi tình trạng viêm xoang diễn ra, các xoang sẽ chứa đầy chất nhầy và gây áp lực lên các khu vực xung quanh, dẫn đến đau hốc mắt, mũi và vùng quanh má. Viêm xoang cấp tính là nguyên nhân chính gây đau hốc mắt. Các triệu chứng khác đi kèm bao gồm sổ mũi hoặc nghẹt mũi, mất khứu giác, đau đầu, đờm trong cổ họng, sốt, ho, mệt mỏi và hơi thở có mùi.
4. Dị ứng mắt
Dị ứng với các tác nhân ngoại cảnh như phấn hoa, bụi hoặc lông động vật có thể làm cho mắt bị kích ứng, ngứa và thậm chí đau nếu không được điều trị kịp thời.
5. Bệnh Grave
Việc tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ gây ra một số hậu quả như dẫn đến tình trạng tăng áp suất mắt và đau hốc mắt. Các mô, mỡ và cơ trên khắp cơ thể đặc biệt là vùng quanh mắt sẽ sưng lên, dẫn đến mắt bị lồi ra.
Điều này tương tự như tình trạng kích ứng quanh mắt, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt nhiều hơn bình thường, khô mắt, song thị, loét mắt, sưng mắt, không thể cử động mắt và mù lòa vĩnh viễn.
6. Viêm dây thần kinh thị giác
Viêm và sưng dây thần kinh thị giác có thể gây đau hốc mắt hoặc tăng áp suất sau mắt. Nó cũng có thể gây giảm thị lực, mù màu, mờ mắt, đau khi cử động mắt và đồng tử phản ứng bất thường với ánh sáng chói lóa. Viêm dây thần kinh thị giác thường đạt đỉnh điểm trong vòng vài ngày và thời gian hồi phục thị lực thường mất từ 4 – 12 tuần.
7. Tổn thương giác mạc
Trầy xước và loét giác mạc có thể gây đau hốc mắt. Giác mạc nằm trên bề mặt của mắt và có nhiều đầu dây thần kinh, vì vậy sẽ vô cùng nhạy cảm với cơn đau. Các vết trầy xước trên bề mặt giác mạc do chấn thương, dị vật rơi vào mắt hoặc lạm dụng kính áp tròng đều có thể gây tổn thương giác mạc. Nếu vết thương bị nhiễm trùng sẽ kéo dài thời gian hồi phục.
8. Hóa chất hoặc dị vật trong mắt
Dù chỉ một mảnh bụi hay axit khi rơi vào mắt đều có thể làm cho tình trạng đau hốc mắt trở nên nghiêm trọng. Điều này cũng có thể làm hỏng mắt, dẫn đến đau liên tục khi mắt đã lành hoặc cảm giác tăng áp suất mắt nếu bị sưng mắt.
9. Viêm bờ mi
Viêm bờ mi thường có thể liên quan đến một số tình trạng da hoặc dị ứng, là hiện tượng các tuyến dầu có thể bị tắc hoặc nhiễm trùng xung quanh các cạnh của mí mắt dẫn đến đau hốc mắt.
10. Viêm kết mạc
Viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng mắt bị đỏ, ngứa, sưng hoặc nhiễm trùng do một số nguyên nhân tiềm ẩn như dị ứng hoặc hóa chất gây ra hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Áp suất phía sau mắt có thể là triệu chứng của viêm kết mạc.
11. Chắp hoặc lẹo
Tình trạng kích ứng cục bộ từ một khối u trong hoặc vùng xung quanh mí mắt (thường là do một tuyến mí mắt bị tắc) có thể gây áp lực hoặc đau lan ra từ khu vực đó hoặc cũng có thể gây đau khi chạm vào. Lẹo thường gây đau và nhạy cảm hơn, trong khi chắp mắt thường không đau.
12. Viêm mống mắt
Viêm mống mắt (hay phần có màu mắt) có thể dẫn đến đau sâu bên trong mắt nhưng cũng có cảm giác như đau hốc mắt. Người bệnh cũng có thể nhạy cảm với ánh sáng, mẩn đỏ, nổi đốm trong trường thị giác và mờ mắt.
13. Viêm giác mạc
Viêm giác mạc có thể do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, vi khuẩn hoặc virus herpes simplex. Triệu chứng chính của viêm giác mạc là đau mắt hoặc đau hốc mắt và cũng có thể gồm cả nhạy cảm với ánh sáng.
14. Viêm củng mạc
Phần màu trắng của mắt chính là củng mạc. Viêm củng mạc trước là dạng phổ biến nhất, nhưng viêm củng mạc sau cũng có thể làm tăng áp suất mắt hoặc đau hốc mắt. Đau và nhạy cảm là những triệu chứng phổ biến hơn của viêm củng mạc sau, mặc dù mắt ít đỏ hơn viêm củng mạc trước. Bệnh này cũng có thể liên quan đến các tình trạng bệnh khác như bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính.
15. Viêm màng bồ đào
Màng bồ đào là một phần của mắt bao gồm mống mắt, thể mi phía sau mống mắt và màng mạch hoặc mô bao quanh mắt. Viêm màng bồ đào bao gồm một nhóm các bệnh viêm nhiễm gây sưng tấy và có thể phá hủy các mô mắt. Những bệnh này có thể lây lan sang các bộ phận khác của mắt, bao gồm cả võng mạc và dây thần kinh thị giác.
16. Tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp là hiện tượng chất lỏng tích tụ trong mắt làm tăng áp lực lên mắt dẫn đến tổn thương vĩnh viễn dây thần kinh thị giác. Phần lớn thời gian người bệnh sẽ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng để sớm nhận biết bệnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực nghiêm trọng.
17. Bệnh Glaucoma góc đóng cấp tính
Bệnh glaucoma góc đóng cấp tính là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng nhất gây đau hốc mắt và tăng áp suất mắt. Đau hốc mắt nghiêm trọng xảy ra đột ngột và tăng nhanh nhãn áp phía trong là dấu hiệu của bệnh này, ngoài ra còn có thể xuất hiện các triệu chứng như mờ mắt, nhức đầu, buồn nôn và ói mửa. Nếu bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Vì vậy, người bệnh cần đi đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám kịp thời.
Đau hốc mắt có nguy hiểm không?
Đau hốc mắt xảy ra bên trong mắt làm cho người bệnh cảm thấy nhức nhối, khó chịu như dao đâm hoặc nhói. Đau hốc mắt xảy ra khá phổ biến và hiếm có trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu đau hốc mắt kèm theo suy giảm thị lực thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp rằng mắt đang gặp vấn đề. Người bệnh cần liên hệ với bác sĩ nhãn khoa hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất để được chữa trị kịp thời và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. [2]
Dấu hiệu đau nhức hốc mắt nguy hiểm
Nếu đau nhức hốc mắt xảy ra cùng các triệu chứng dưới đây, đó sẽ là lúc người bệnh nên nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
1. Đau đột ngột, dữ dội
Đau mắt đột ngột, dữ dội có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ bụi rơi vào mắt cho đến bệnh tăng nhãn áp. Nếu người bệnh không điều trị đúng cách có thể dẫn đến việc mất thị lực và xảy ra các biến chứng nghiêm trọng khác.
2. Đau nhói
Tình trạng đau nhói mắt cũng có thể xảy ra với chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu theo chu kỳ. Trong một số trường hợp, viêm hoặc tích tụ chất lỏng trong mắt có thể dẫn đến đau nhói, cũng như tổn thương mô và các vấn đề về thị lực. [3]
3. Chảy nước mắt
Chảy nước mắt xảy ra khi mắt bị viêm hoặc kích ứng, chẳng hạn như dị ứng hoặc nhiễm trùng mắt. Nước mắt dư thừa là cách cơ thể cố gắng rửa sạch những tác nhân gây hại cho mắt. Một nguyên nhân khác có thể gây chảy nước mắt quá nhiều là ống dẫn nước mắt bị tắc khiến nước mắt đọng lại trong mắt.
4. Nhạy cảm ánh sáng
Nhạy cảm với ánh sáng có thể đơn giản là do mỏi mắt hoặc khô mắt, hoặc do các vấn đề như nhiễm trùng mắt, chấn thương mắt hoặc liên quan đến cấu trúc của mắt.
5. Nóng rát trong mắt
Nóng rát trong mắt có thể do do viêm bờ mi, dị ứng hoặc nhiều tình trạng viêm nhiễm hoặc tổn thương mắt khác. [4]
6. Giảm thị lực đột ngột
Giảm thị lực đột ngột là tình trạng nguy hiểm cần phải đến phòng cấp cứu ngay, vì mất thị lực có nghĩa là vấn đề có thể không nằm ở trên bề mặt của mắt mà tổn thương có thể nằm bên trong mắt.
7. Mắt đỏ
Trong số các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm gây đỏ mắt, có những nguyên nhân từ bình thường nhất đến nghiêm trọng tiềm ẩn khác có thể tạo ra những thay đổi về thị lực. Nếu mắt không chỉ bị đau mà còn đỏ, đây là lúc nên đến phòng cấp cứu ngay để bác sĩ nhãn khoa thăm khám và lên phác đồ điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.
8. Đau đầu dai dẳng
Đau đầu dai dẳng có thể do giãn mạch máu ở vùng mắt. Tình trạng viêm của các dây thần kinh gần đó có thể gây ra cảm giác đau như dao đâm, đau nhói thường thấy ở một bên mắt.
9. Sốt
Đau mắt và sốt có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý như viêm màng não, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh bạch hầu, đau mắt đỏ hoặc cảm lạnh. Cũng có khả năng xảy ra do nhiễm trùng mắt, những tình trạng khác lại do dị ứng, cơ thể có khả năng miễn dịch thấp hoặc chấn thương mắt.
10. Buồn nôn
Bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính khiến áp lực bên trong mắt tăng đột ngột đi kèm các triệu chứng bao gồm đau mắt dữ dội, buồn nôn và nôn, nhức đầu và suy giảm thị lực. Đây là trường hợp khẩn cấp và cần điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa mù lòa.
11. Sụp mí mắt
Nhiễm trùng hốc mắt có thể dẫn đến đau mắt, khó cử động mắt và sụp mí mắt. Khi mắt bị đau kèm với triệu chứng sụp mí mắt, đây là lúc cần tìm đến sự trợ giúp y tế khẩn cấp.
Chẩn đoán đau hốc mắt thế nào?
Đánh giá y tế về đau mắt bắt đầu bằng tiền sử bệnh tật và kiểm tra sức khỏe thị lực. Bác sĩ sẽ đề ra những câu hỏi quan trọng như: cơn đau bắt đầu khi nào? Vị trí cơn đau, cường độ cơn đau, thời gian cơn đau, đặc điểm của cơn đau? Hay bất kỳ yếu tố nào làm cho cường độ đau giảm bớt hoặc các hoạt động mà người bệnh đã tham gia vào thời điểm các triệu chứng bắt đầu. [5]
Thậm chí, tiền sử sử dụng kính áp tròng và các chấn thương hoặc phẫu thuật mắt trước đó. Chưa kể, các vấn đề khác liên quan đến việc người bệnh dị ứng với thuốc hay không, loại thuốc hiện tại đang sử dụng, tiền sử bệnh, phẫu thuật trước đây, tiền sử gia đình và tiền sử xã hội (bao gồm thói quen làm việc và du lịch cũng như tiền sử sử dụng rượu, thuốc lá hoặc ma túy bất hợp pháp).
1. Kiểm tra thị lực
Kiểm tra thể chất liên quan đến mắt trước tiên có thể bao gồm kiểm tra thị lực, kiểm tra trực quan mắt và mô xung quanh, đồng thời kiểm tra chuyển động của mắt, trường thị giác (tầm nhìn ngoại vi) và phản ứng của đồng tử với ánh sáng.
2. Máy soi đáy mắt
Máy soi đáy mắt là một công cụ đặc biệt để quan sát mắt, kiểm tra phía sau mắt và quan sát bề mặt của dây thần kinh thị giác và các mạch máu.
3. Đèn khe
Đèn khe là kính hiển vi quan sát bề mặt của mắt và chi tiết để xem xét đánh giá các vết trầy xước và loét giác mạc. Nó cũng có thể dùng để xem xét khu vực tiền phòng mắt (giữa bề mặt của mắt và con ngươi).
Bác sĩ nhãn khoa cũng có thể nhỏ thuốc mê vào mắt cho cả mục đích chẩn đoán và điều trị, giúp xác định xem cơn đau mắt xuất phát từ bề mặt của mắt hay từ các cấu trúc mắt sâu hơn. Trong hầu hết các trường hợp đau bắt nguồn từ bề mặt của mắt, cơn đau có thể giảm bớt bằng cách gây tê tại chỗ.
Làm thế nào để điều trị nhức hốc mắt?
Có nhiều cách để điều trị tình trạng đau nhức hốc mắt:
1. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh
Thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thể điều trị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn bằng cách tiêu diệt các thành phần gây nhiễm trùng mắt như nấm, virus và vi khuẩn. Luôn dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ vì chúng chứa dược chất mà thuốc nhỏ mắt thông thường (hay nước mắt nhân tạo) không có.
2. Thuốc mỡ tra mắt
Thuốc mỡ tra mắt có thể điều trị nhiều bệnh về mắt phổ biến, chẳng hạn như viêm kết mạc, hội chứng khô mắt và lẹo mắt. Các nhiễm trùng mắt do virus, vi khuẩn và dị ứng có thể gây đau mắt đỏ cũng như tiếp xúc với hóa chất, chẳng hạn như clo. Nấm, ký sinh trùng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng mắt khác. Thuốc mỡ mắt kháng sinh hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu và tiêu diệt vi khuẩn.
Do đó, chúng chỉ hiệu quả trong việc điều trị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn gây ra. Cần sử dụng thuốc mỡ tra mắt theo đúng chỉ định của bác sĩ.
3. Loại bỏ dị vật trong mắt
Nếu dị vật nằm trên mí mắt, hãy cố gắng nhẹ nhàng rửa sạch bằng nước hoặc thuốc nhỏ mắt. Nếu điều đó không hiệu quả, hãy thử chạm một miếng gạc bông để loại bỏ nó. Nếu dị vật nằm trên tròng trắng của mắt, hãy nhẹ nhàng rửa mắt bằng nước hoặc thuốc nhỏ mắt.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật mắt được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bong võng mạc, rách võng mạc, bệnh võng mạc do tiểu đường và cận thị hoặc viễn thị.
Phòng ngừa nguy cơ đau hốc mắt
1. Đeo kính bảo hộ
Đeo kính bảo hộ khi làm việc với dụng cụ cầm tay, dụng cụ điện, hóa chất công nghiệp hoặc khi có khả năng bị hóa chất, mảnh vụn hoặc hạt nhỏ bay vào mắt và khi chơi các hoạt động thể thao, chẳng hạn như bóng rổ, bóng vợt và quần vợt. Ngoài ra, nên đội các vật đội đầu thích hợp, chẳng hạn như mũ bảo hộ khi làm việc khi cần, mũ bảo hiểm khi chơi bóng chày và khẩu trang khi chơi khúc côn cầu.
2. Vệ sinh kính áp tròng
Nếu một người đeo kính áp tròng, hãy sử dụng dịch vụ chăm sóc mắt định kỳ thích hợp để ngăn ngừa thương tích mắt liên quan đến kính áp tròng. Những người đeo kính áp tròng nên cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa về việc tháo, dán và rửa kính áp tròng.
3. Khám mắt định kỳ
Tần suất kiểm tra mắt nên dựa trên sự hiện diện của các bất thường về thị giác và/hoặc khả năng phát triển các bất thường về thị giác. Những người có các triệu chứng về mắt cần được kiểm tra kịp thời. Những người không có triệu chứng nhưng có nguy cơ cao phát triển các bất thường ở mắt liên quan đến các bệnh hệ thống như đái tháo đường và tăng huyết áp hoặc những người có tiền sử gia đình mắc bệnh về mắt cần được khám mắt toàn diện định kỳ.
Tần suất của các cuộc kiểm tra này phụ thuộc vào độ tuổi của cá nhân, tình trạng cụ thể và khả năng phát hiện những bất thường khi kiểm tra. Người lớn không có triệu chứng và có nguy cơ thấp nên được bác sĩ nhãn khoa khám mắt toàn diện ban đầu, sau đó họ nên tuân theo lịch trình đánh giá định kỳ được thiết kế để phát hiện bệnh về mắt.
Đau mắt có thể xảy ra vì nhiều lý do bao gồm khô mắt, nhiễm trùng và dị ứng. Một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn bao gồm bệnh tăng nhãn áp, chứng phình động mạch và ung thư. K
Khoa Mắt – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ y bác sĩ luôn tận tâm, với nền tảng chuyên môn vững chắc cùng các trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu – Mỹ sẽ giúp chẩn đoán và lên phác đồ điều trị thích hợp, giúp chăm sóc sức khỏe đôi mắt và đem đến sự an tâm cho bạn và những người thân yêu.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu rơi vào tình trạng đau hốc mắt nghiêm trọng hoặc dai dẳng, đặc biệt nếu cơn đau xảy ra cùng với các triệu chứng đáng lo ngại khác. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây đau và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bệnh nhân.